Sáng nay, 4/4 (giờ địa phương – chiều theo giờ Hà Nội), tại Trụ sở Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. Sau lễ đón, hai bên đã có cuộc hội đàm.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu chúc mừng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm châu Âu để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam nói chung, giữa Nghị viện châu Âu với Quốc hội Việt Nam. Hiện nay, EU và Việt Nam có mối quan hệ chính trị, kinh tế thuận lợi.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu bày tỏ tự hào vì Liên minh châu Âu là đối tác lớn của Việt Nam. Về quan hệ thương mại, tất cả những thông số liên quan EU và VN rất tích cực. Hai bên cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này. Thời gian qua, EU đã hỗ trợ 400 triệu EURO để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội, đây là biểu hiện quyết tâm của EU giúp Việt Nam.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu cũng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong việc giải quyết những khác biệt nội khối cũng như trong khu vực.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định, Liên minh châu Âu nhận thấy rằng, hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) rất quan trọng với cả hai bên.
Theo ông Antonio Tajani, trong nhiệm kỳ của mình, với cương vị là Chủ tịch, ông đã làm tất cả những gì có thể để việc phê chuẩn và kí kết được thực hiện. Tuy nhiên, ông rất lấy làm tiếc khi việc ký kết, phê chuẩn chưa được thực hiện trong nhiệm kỳ này; đồng thời cho biết, EP đang chuẩn bị bầu cử, sau khi bầu cử xong, hiệp định sẽ được tiếp tục xem xét.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm Nghị viện châu Âu (EP); cảm ơn những đóng góp tích cực của ông Chủ tịch Nghị viện châu Âu và tin tưởng tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa EP và Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông báo tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam tiếp tục giữ ổn định. Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 FTA và đang đàm phán 4 FTA .
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ), nhà đầu tư lớn thứ năm (sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan) của Việt Nam. Để nâng hợp tác kinh tế lên tầm cao mới, hai bên đã đàm phán xong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho cả EU và Việt Nam. Hai bên đã hết sức nỗ lực đàm phán để có Hiệp định EVFTA toàn diện, tiêu chuẩn cao; tháng Ủy ban châu Âu 10/2018 đã trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu để xem xét ký. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc rà soát pháp lý, ngôn ngữ và các thủ tục khác kéo dài hơn so với dự kiến.
Việt Nam hiểu rằng, thời gian qua EU rất bận rộn với Brexit và nhiều vấn đề khác, song cho rằng việc chậm ký kết, phê chuẩn EVFTA không đem lại lợi ích cho cả hai bên. Việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA sẽ mở ra thời cơ để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác Hiệp định đem lại cho cả hai phía. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Chủ tịch Nghị viện châu Âu lưu ý trong việc bàn giao hồ sơ theo quy trình được ưu tiên để đưa vào chương trình của phiên hợp đầu tiên, trong nhiệm kì mới của Nghị viện châu Âu.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp mở cửa thị trường, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, cam kết bảo vệ quyền của người lao động, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường… IPA là hiệp định bảo hộ đầu tư hiện đại với cấp độ bảo vệ cao cho các nhà đầu tư châu Âu, đồng thời sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo các cam kết quốc tế.
Việt Nam mong hiệp định EVFTA và IPA sớm được phê chuẩn vì phù hợp với lợi ích thương mại, đầu tư, chiến lược cho cả hai bên, là sự khẳng định cam kết của hai bên đối với tự do thương mại, đầu tư với những lợi ích chiến lược mang lại cho cả hai bên. Đối với Việt Nam, việc thực hiện EVFTA cùng với một số FTA thế hệ mới khẳng định Việt Nam mạnh mẽ thúc đẩy thương mại tự do, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà cón có ý nghĩa về chính trị.
Đối với EU, cùng với các FTA của EU với Nhật Bản và Singapore, EVFTA giúp nâng cao vị thế, vai trò của EU tại Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, tạo xung lực mới thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, EVFTA nếu sớm được triển khai có thể xem như một hình mẫu cho FTA EU-ASEAN trong tương lai.
Thời gian qua, Việt Nam đã trao đổi một cách xây dựng với các cơ quan EU về các vấn đề EU quan tâm và đang có nhiều biện pháp cụ thể: Việt Nam đã có lộ trình về vấn đề lao động, tháng 5/2019 dự kiến Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận Bộ Luật Lao động; Việt Nam đã trao đổi với EU về nhân quyền như phiên Đối thoại Nhân quyền lần thứ 8 diễn ra ngày 4/3 tại Bruxelles; Ủy ban Hỗn hợp triển khai PCA cũng có Tiểu ban liên quan; Việt Nam đang triển khai hàng loạt biện pháp chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Các đoàn EP vào Việt Nam vừa qua thấy rõ nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nghị viện châu Âu đều vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu-EP thời gian gần đây đã có những tiến triển tích cực, góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ hợp tác. Hai bên đã tăng cường hợp tác thông qua nhiều hình thức như trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và cử cán bộ sang thực tập tại EP.
Quốc hội Việt Nam sẵn sàng trao đổi thông tin, đón các đoàn nghị sĩ EP thăm Việt Nam và tổ chức đối thoại với EP, nghị sĩ EP trên tinh thần hợp tác và xây dựng về những vấn đề cần quan tâm, qua đó giúp EP hiểu rõ hơn và có cái nhìn khách quan về tình hình và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, về các chính sách và biện pháp của Việt Nam nhằm đảm bảo và thực thi quyền con người. Về phía Nghị viện châu Âu cũng sẵn sàng chào đón các đoàn đại biểu Quốc hội sang Nghị viện.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao hoạt động tích cực của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội nghị viện hai bên và cá nhân các vị Chủ tịch Nhóm đang phát huy vai trò cầu nối tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội, nghị viện Việt Nam và EP nói riêng, giữa Việt Nam và EU nói chung; đề nghị hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt nhấn mạnh, cuộc hội đàm này rất quan trọng, cho thấy, quyết tâm của Việt Nam trong việc hợp tác với EU, nhất là với bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư châu Âu đang tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Trên cương vị của mình, Chủ tịch Nghị viện châu Âu sẽ làm tất cả, để hồ sơ của các hiệp đinh EVFTA và IPA được tiến hành theo trình tự ưu tiên nhất.
Bình luận